HỒNG TREO GIÓ - THE MARRIED BEANS

Có Thể Chúng Tôi Chưa Làm Ra Sản Phẩm Tốt Nhất, Nhưng Chúng Tôi Sẽ Làm Tốt Hơn Mỗi Ngày

Đối với Anh Hồ Phạm Minh Duy, câu nói trên không đơn thuần chỉ là một câu nói tạo động lực mỗi ngày, mà hơn hết, nó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Anh. Mọi thứ xuất phát từ tình yêu với hạt cà phê, Anh Minh Duy nuôi trong mình ước muốn bạn bè quốc tế biết nhiều hơn nữa đến cà phê Việt Nam. Và từng ngày, khởi điểm từ một công ty nhỏ lẻ với cái tên THE MARRIED BEANS, Anh Duy cùng đồng đội cố gắng “làm tốt hơn mỗi ngày”, mang thương hiệu THE MARRIED BEANS đến gần hơn với người tiêu dùng trong lẫn ngoài nước.
Bất cập của ngành trồng cà phê cho người nông, đó là vào mùa vụ thu hoạch thì nông dân mới có nguồn thu nhập. Những tháng chưa đến mùa vụ, bà con lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì không có tiền. Thấy được nỗi lo lắng cơm áo gạo tiền của bà con, THE MARRIED BEANS đã hỗ trợ bà con trồng hồng Đà Lạt. Mùa thu hoạch của hồng đến trước khi mùa cà phê, vậy nên không những giúp người nông dân có thêm thu nhập những ngày thường, mà việc trồng hồng còn giúp vườn cà phê chắn gió, giảm cường độ ánh sáng, từ đó tăng năng suất cho cây cà phê khi vào mùa vụ.


Trồng được trái hồng là một chuyện, việc tìm được đầu ra cho sản phẩm này lại là chuyện khác. Đặc tính của hồng khi chín sẽ chín theo từng đợt, nhu cầu của Khách hàng đối với trái hồng tươi lại không nhiều, vì hồng tươi không bảo quản và giữ được lâu như các loại trái cây khác. Từ những vấn đề thiết thực như thế, THE MARRIED BEANS quyết định tìm hiểu và nghiên cứu cách làm hồng treo gió, đồng thời chuyển giao các công nghệ làm hồng treo gió cho bà con và hỗ trợ một phần chi phí để các hộ gia đình có được nhà lồng đạt chuẩn.


Những gì THE MARRIED BEANS đang làm, chỉ với một mục tiêu duy nhất, đó là tạo ra sản phẩm tốt hơn mỗi ngày. Chính vì thế, không chỉ mong muốn cải thiện đời sống của bà con nông dân, THE MARRIED BEANS còn dành một sự quan tâm đặc biệt tới chính những sản phẩm mà mình tạo ra mỗi ngày.

CÂY HỒNG KHI CHƯA VÀO MÙA VỤ THU HOẠCH

Hồng Đà Lạt vốn là loại cây dễ trồng, dễ sống và không cần chăm bón nhiều. Khoảng thời gian trước khi hồng vào mùa vụ thu hoạch, bà con trồng hồng xen canh cùng cà phê chủ yếu để chắn gió, chắn nắng cho cây cà phê, giúp giảm khả năng thoát hơi nước của cà phê. Ngoài ra, vì đặc tính của từng loại cây, cây hồng sẽ hấp thụ những chất dinh dưỡng từ đất không cần thiết cho cây cà phê. Chính vì lẽ đó, nếu trồng xen canh cà phê và hồng, chất lượng của trái hồng và trái cà phê tươi khi đến mùa vụ sẽ rất ổn định và đạt năng suất cao.

MÙA HỒNG – MÙA CỦA THỨC QUẢ NGÀY THU

Hồng Đà Lạt bắt đầu thu hoạch từ tháng 09 đến tháng 11 hằng năm. Đây là thời điểm của những cây hồng trơ trụi lá, chỉ còn trên cây là những trái hồng tươi mang sắc cam nổi bật cả khu vườn. Nếu như vườn có giống hồng treo, thời điểm thu hoạch có thể sớm hơn, tầm tháng 7 là đã có thể thu hoạch được. Còn riêng với trái hồng chín, phải đợi tầm đển tháng 9, khi quả hồng đạt đến độ mềm tay, ngọt thanh thì mới có thể hái. Thời điểm hái hồng tốt nhất trong ngày là vào sáng sớm hoặc buổi chiều mát, lúc nhiệt độ trong ngày không quá cao, đủ mát mẻ để hái.
Trái hồng khi hái từ trên cây xuống rất dễ bị xước, trầy hoặc bầm dập. Để có thể hái được trái hồng nguyên vẹn, không trầy xước, đòi hỏi người hái phải có một bàn tay khéo léo cũng như kinh nghiệm hái hồng trong nhiều năm.
Dụng cụ hái hồng cũng chỉ đơn giản là cái giỏ hoặc thùng để đựng hồng và một cái sào có cái móc để hái hồng ở những cành cao. Những cành thấp thì nông dân có thể rướn người lên và hái bằng tay, nhưng với những cành cao thì sẽ dùng sào hái rồi bỏ vào túi vải. Nếu ai đủ kinh nghiệm thì vẫn có thể trèo lên cành cao để hái.
Những trái hồng được chọn lựa để hái sẽ là những trái vừa chín tới, đủ độ đường, cầm đủ mềm tay. Nếu như hái quá sớm, hồng sẽ không ăn được, vì vẫn còn chưa chín, khi ăn sẽ chỉ thấy vị chát. Còn nếu như hái quá trễ, hồng sẽ bị chín rục, dễ dập nát khi vận chuyển.
Sau khi hái hồng, công đoạn tiếp theo sẽ là chọn và phân loại hồng. Những trái chín đỏ sẽ được đem đi bán tươi cho người tiêu dùng. Những trái chưa chín, kích thước trái to, cầm cứng tay, sẽ được đem đi chế biến thành hồng treo - thức quả làm nức lòng bao nhiêu con tim yêu Đà Lạt.

HỒNG TREO THE MARRIED BEANS

Từ công đoạn bắt đầu...

Để làm được hồng treo, ngoài những tiêu chí được đề ra khi hái hồng, trái hồng khi được thu hoạch nên có cuống dài để dễ cột dây.
Việc đầu tiên khi làm hồng treo đó là vệ sinh trái hồng. Sau khi rửa sạch, hồng sẽ được gọt vỏ theo hình vòng cung từ cuống trở xuống. Khi cắt hạn chế làm hồng bị trầy xước và dập, vì thế cần nhẹ nhàng và khéo léo khi thực hiện bước này. Phần cuống sẽ để nguyên, không cắt phạm vào để có thể dễ cột dây. Để hoàn thiện bước vệ sinh hồng, ta sẽ nhúng trái hồng vào rượu để sát trùng. Chỉ cần nhúng hồng khoảng tầm 90 giây, trái hồng sau khi treo sẽ không bị mốc hay thu hút côn trùng.
Sau khi vệ sinh xong, bước tiếp theo sẽ là buộc dây vào từng trái hồng. Tại cơ sở của THE MARRIED BEANS, hồng được treo lên giá đỡ, từng cuống hồng sẽ được cài vào từng mắc cài của giá đỡ. Giá đỡ giúp việc treo hồng được tiết kiệm thời gian, chi phí và bảo đảm tính vệ sinh cho sản phẩm.
Môi trường phù hợp nhất cho hồng treo là không gian thoáng nhưng phải kín, có đủ ánh sáng. Hồng của THE MARRIED BEANS được treo trong nhà lồng, có đủ ánh sáng và không gian thoáng, hạn chế được côn trùng và vi khuẩn làm ảnh hưởng đến chất lượng hồng.
Trong suốt thời gian treo hồng, yếu tố quyết định đến chất lượng của thành phẩm chính là không gian treo hồng. Các nhà vườn đều phải hạn chế người ra vào không gian treo hồng, bảo đảm không gian treo hồng phải gần như đồng nhất. Đến thời điểm gần thu hoạch, người làm hồng treo sẽ massage cho từng quả hồng. Mục đích của việc này là để chất dịch ngọt của hồng còn đọng lại trong trái sẽ được tỏa ra toàn trái hồng, không bị đọng lại tại một vị trí nhất định.



Sau khoảng thời gian tầm 20 ngày, các nghệ nhân sẽ vào và thu hoạch hồng treo. Việc thu hoạch sẽ diễn ra vào ban ngày, thời điểm đủ ánh sáng để có thể xem xét đến độ co của hồng đã đủ hay chưa. Sau khi thu hoạch, hồng sẽ được sàn lọc lại một lần nữa, loại bỏ những trái có kích thước không đồng đều, những trái có lỗi về mặt thẩm mỹ,...

… cho đến lúc đóng gói...

Công đoạn đóng gói cho sản phẩm hồng được thực hiện tại nhà máy chuyên biệt. Để hồng giữ nguyên được hương vị và tính thẩm mỹ trong suốt quá trình vận chuyển, hồng treo của THE MARRIED BEANS sẽ được đóng gói và hút chân không, hạn chế toàn bộ việc hồng phải tiếp xúc với không khí. Để thuận tiện nhất cho các nhu cầu của Khách hàng, sản phẩm hồng treo gió của THE MARRIED BEANS được đóng gói theo khối lượng 300g và 500g.
Khi hồng đã được đóng gói và hút chân không, bên trong quả hồng vẫn tiếp tục diễn ra quá trình tụ đường của chính quả hồng đó. Chính vì vậy, đôi khi sản phẩm đến tay Khách hàng, Khách hàng sẽ thấy có một lớp men trắng bao quanh trái hồng. Đây là lớp men tự nhiên của trái hồng, hoàn toàn không độc hại hay ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

LỜI KẾT

Hồng treo gió là một đặc sản mang đặc trưng riêng của Đà Lạt. Chính vì thế, để có được sản phẩm tốt nhất khi đến tay Quý Khách hàng, THE MARRIED BEANS đã dành rất nhiều tâm huyết cho sản phẩm. Ngoài việc mang lại thu nhập trái mùa cho những hộ nông dân trồng cà phê tại Lâm Đồng, Hồng treo gió còn giúp Khách hàng có thêm một góc nhìn mới, rõ nét hơn, ấn tượng hơn về Đà Lạt – Thành phố của những thức quả ngày thu về.